Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2009

NHỚ VỀ MỘT NGƯỜI BẠN.

Ảnh tác giả chụp trong một lần đi lấy gạo ngoài thị trấn Lương Sơn(Hòa Bình)

"Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về rừng cây.
Khi nghĩ về một rừng cây,tôi thường nhớ về nhiều người.
Trẻ trung như cụm hoa hồng, hồn nhiên như là ánh lửa ...".
Nghe bài hát "Một đời người,một rừng cây"của Trần Long Ẩn, tôi lại nghĩ về bạn. Một người bạn đối với tôi tuy không thân lắm nhưng cũng chơi chung đã từng gắn bó với nhau một thời tuổi trẻ.
Cậu cư ngụ cùng một khu TT 16A Lý nam Đế, Hà nội với tôi. Từ nhỏ cậu đã có dáng vẻ của người lớn, đi đứng chững chạc như một "ông cụ non". Cho nên các trò chơi của bọn trẻ con trong khu thường không có cậu, nói cách khác là cậu không thèm chơi? Cho đó là trò trẻ con, mặc dù cậu còn kém tôi 1 tuổi nhưng trông già dặn hơn nhiều. Cậu chũi mũi vào học, đọc sách và kéo đàn violon. Dưới ngọn roi của bố hàng đêm bắt cậu kéo đàn sau giờ ôn bài. Có lẽ ông hằng mong muốn con mình sẽ trở thành thần đồng âm nhạc? Hàng xóm khổ sở vì tối khuya vẫn phải nghe tiếng violon rít lên không cho ai ngủ sau một ngày làm việc. Bố cậu nổi tiếng là dữ đòn trong khu. Thế nhưng cách dạy con của ông không đạt hiệu quả mong muốn. Cậu chỉ kéo đàn trong các buổi biểu diễn văn nghệ của trường do thời ấy rất hiếm học sinh biết chơi đàn, lại là đàn violon, loại đàn được mệnh danh là nữ hoàng của các loại đàn dây. Chỉ dừng lại ở trình độ "ọ ọ,ẹ ẹ", càng về sau cậu càng ít chơi đàn, sau này bỏ hẳn không thấy chơi nữa? Bọn con gái trong khu ít ai để mắt tới cậu vì cho rằng cậu hay "tỏ vẻ ta đây, ra vẻ ra ve ". Riêng tôi, tôi biết cậu cũng để ý vài cô qua những lần nói chuyện với cậu. Cuối năm 1971, sau trận Khe sanh, đường 9 nam Lào, khí thế ra trận của thanh niên, học sinh Hà nội lúc bấy giờ rất sôi nổi. Nhất là câu nói của anh hùng Lê Mã Lương"Cuộc đời đẹp nhất là ở trận tuyến chống quân thù" càng làm cho không khí ra trận tưng bừng, sôi động hơn! Một buổi chiều, tôi đang lúi húi múc nước trong bể nước công cộng của khu TT. Cậu và Hùng Thắng đi tới gần tôi nói: "Kỳ này bọn tao đi bộ đội, mày có đi không? Thằng Vỹ "gỗ" cũng đi nữa". Không suy nghĩ tôi gật đầu liền. Đang chán không muốn học, vì gặp phải cô giáo dạy Hóa (hình như ghét tôi?), hay "đì "tôi lên trả bài. Sau này tôi mới biết cô ghét tôi thật bởi vì tôi dám phản ứng lại thầy giáo dạy thể dục khi bắt các học sinh phải bỏ áo trong quần khi có tiết của thầy mà thầy lại là người yêu của cô ấy. Tôi và cậu không đủ tuổi nên phải viết đơn tình nguyện, cái khó là phải có chữ kí của phụ huynh đồng ý cho đi. Cậu thì thể hiện quyết tâm bằng cắn ngón tay viết đơn bằng máu. Tôi giả chữ kí của ba tôi rồi cả hai mang lên khu đội Hoàn kiếm nộp. Sau hai vòng khám tuyển chúng tôi cũng đạt tiêu chuẩn đi bộ đội mặc dù khám lần 2, sau hơn 1 tháng tôi từ 41 kg chỉ còn có 39 kg. Ngày 22/12 năm ấy học sinh, sinh viên các trường ở HN tập trung về vườn Bách thảo, dưới chân núi Nùng mit tinh chào mừng chiến thắng Đường 9 Nam Lào, tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ, có đại tướng Võ nguyên Giáp tham dự. Chúng tôi là lính tình nguyện đi đợt này nên được mời lên lễ đài, cậu vinh dự đại diện cho thanh niên HN đọc quyết tâm thư. Tháng 1/1972 chúng tôi gồm cả Lê Trường Vỹ , Hà Hùng Thắng , Hồ Phương Bình chính thức là người lính, huấn luyện trên Bãi Nai - Hòa bình. Lên đó chúng tôi cùng chung đại đội với nhiều lính Trỗi như Y Hòa, Vũ Trung, Nguyễn Lâm, Bạch Quốc Đoàn, Kim Cường...nên rất vui. Thế nhưng gần Tết bỗng dưng đại đội gọi chúng tôi lên, gồm 5 người, tôi, cậu và 3 người nữa là: Thịnh nhà ở Thụy Khuê học trường Nguyễn Trãi cùng lớp với vợ anh Đồng Hiền khóa 3, Cù Thắng nhà ở Phó đức Chính gần nhà Việt Hằng và Lộc nhà ở Đội Cấn. Nói lên tiểu đoàn có việc cần. Lúc đó chúng tôi mới biết bị trả về địa phương, lí do của 3 người kia là con một, tôi và cậu chưa đủ tuổi. Sau một hồi xin xỏ, năn nỉ không được vì đây là chính sách, chúng tôi đành trả lại quân trang, về đơn vị chia tay mọi người rồi kéo nhau ra đường 6 đón xe về HN. May chặn được một xe quân đội chở gạo cho đi nhờ về đến Xuân mai, đi bộ một đoạn đến Hà đông, đi tiếp xe điện về HN. Nói là "chặn" vì các xe đi qua chỗ huấn luyện chiến sĩ mới đều sợ không dám dừng lại, chúng tôi phải cử một người đứng ra giữa đường chặn xe lại cho mọi người lên xe hết rồi mới lên. Nhất là gần Tết, lính tự "cho phép" về nhà rất nhiều. Không chịu từ bỏ quyết tâm đi lính, sau Tết tôi xin ba tôi nhập ngũ vào quân chủng Hải quân cùng Khánh" chuột", Nam"béo". Cậu sau này không biết làm thế nào cũng xin trở lại được đơn vị cũ? Tháng 5/72 cậu và đồng đội tham gia chiến dịnh "mùa hè đỏ lửa" ở Quảng trị, nghe nói bị hy sinh rất nhiều, nhất là lính HN, do chưa có kinh nghiệm chiến đấu, phải vào trận ngay. Đến nỗi bọn thủy quân lục chiến ngụy còn hô hào:"bắt sống thiếu niên HN" vì đa phần mới bước qua tuổi 18, họ còn trẻ quá!
Khoảng giữa năm 1973 tôi lại gặp cậu, Vỹ "gỗ" và Hùng Thắng được cử đi học sỹ quan công binh. Trông cậu và Hùng Thắng mặc đồ học viên sỹ quan, dây lưng bắt chéo, quân hàm trên vai như đi duyệt binh thật oách và đúng với bản chất của cậu, ưa khác người. Bẵng đi một thời gian, tôi nghe nói cậu học tổng hợp văn. Thời gian này, đất nước đã thống nhất . Rồi tôi nghe nói cậu bỏ trường đưa người yêu vào tận Vũng tàu một thời gian, bị nhà trường kỉ luật nhưng vẫn tiếp tục học. Sau đó tôi có đọc một cuốn tiểu thuyết tình báo : "Đằng sau cành Violet" tác giả là tên cậu, có lẽ cậu viết trong thời gian bỏ học này? Rồi lại nghe nói cậu tốt nghiệp về làm phóng viên báo"Quân đội nhân dân". Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra một thời gian, một hôm ba tôi từ mặt trận Campuchia về nói:"Thằng Thắng con bác Từ Vân, cô Toàn,cùng nhập ngũ với con hy sinh rồi". Thắng, vâng Ngô Tất Thắng học sinh trường Trỗi khóa 7. Tôi lặng người, lại một người bạn đã ra đi. Hỏi ba :" Thắng hy sinh trong trường hợp nào?" Ba tôi chỉ nói Thắng hy sinh vì một viên đạn của Khơme đỏ khi đang ngồi trên xe tăng trên đường tiến vào giải phóng Pnompenh. Sau này đọc bài viết về bạn trong: "Sinh ra trong khói lửa" tập 1 tôi mới được biết kỹ hơn về trường hợp bạn xung phong ra mặt trận làm phóng viên chiến trường, rồi hy sinh. Cuốn tiểu thuyết bạn viết đầu tay cũng là tác phẩm cuối cùng của bạn. Nhưng vẫn còn có nhiều người nhớ tới bạn. Cô Trâm giáo viên dạy văn trường Chu văn An vợ nhà văn Phùng Quán có bài viết trên báo " Văn nghệ" nói về bạn và cuốn tiểu thuyết của bạn. Chúng tôi mãi nhớ về bạn!
Thắng ơi! Cậu lúc nào cũng tỏ vẻ ta đây "người lớn" nhưng cậu "lớn" thật! Cậu toàn chọn chỗ dễ chết để "xông" vào. Văng vẳng bên tai:
"...Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng,
gian khổ biết dành phần ai...".
Bạn trẻ mãi tuổi 25.,.

Ảnh từ trái qua: Ngô Tất Thắng, Khánh "chuột" và tác giả bài viết (ảnh chụp trước khi đi bộ đội)

15 nhận xét:

  1. Đạt à . Tôi chính là kẻ vào khám mắt thay cho Thắng đấy . Hắn bị cận mà ! Nếu tôi không đóng thế thì Thắng bị trượt tuyển quân . Khi nghe tin hắn hy sinh trong tôi rối bời ( thương cảm , ân hận , tự hào ... ) .
    K6LS

    Trả lờiXóa
  2. Chuyện rất hay và cảm động về những người bạn Trỗi. Xin cảm ơn tác giả.

    Trả lờiXóa
  3. Kỷ niệm giản dị về một người bạn nhưng tạo được ấn tượng và cảm xúc cho người đọc.
    Câu chuyện về Thắng đã 1 lần, cũng được Việt Hằng K7 kể ở một giai đoạn khác - khi còn đang học tổng hợp văn.

    Trả lờiXóa
  4. Chào K6LS.
    Vậy là hồi xưa đã có trò "thi dùm" rồi ha. Không có ông thì Thắng trượt chắc.
    HCQuang

    Trả lờiXóa
  5. 'Đến nỗi bọn thủy quân lục chiến ngụy còn hô hào:"bắt sống thiếu niên HN". Vì đa phần mới bước qua tuổi 18,họ còn trẻ quá!'
    40 năm rồi nên hình ảnh và sự kiện đều có phần mờ đi...nhưng bạn mình và những ký ức như thế này khi khơi lên thì như sống lại.
    Giai đoạn này mình cũng đi lính-nhưng mà là lính học viên, ở cùng với cánh lính cũ về học, nhiều anh chỉ hơn có 1-2 năm, từ các đơn vị khác về thôi, mà họ đã 'khôn ranh' hơn bọn tò te tụi mình trên tất cả mọi lĩnh vực. "Nếu ra trận - chắc chắn tụi mình chết trước !"
    Điều thứ hai - có gặp cánh sinh viên HN đánh nhau ở QT bị thương về 103 chữa trị, cũng nghe nhiều truyện...có câu này còn nhớ mãi "cứ như trẻ con hai miền lao vào giết nhau !", có thể bọn TQLC và Dù thì cựu binh tình nguyện, chứ các đơn vị khác của ngụy SG chắc cũng toàn tụi trẻ ranh cả!

    Trả lờiXóa
  6. Thật là tiếc cho Thắng,nhưng chính sự hăng hái lao mình vào cuộc chiến mà không tiếc thân mình như cậu ấy đã để lại trong lòng người còn sống niềm tiếc thương vô hạn và cũng là bài học cho lớp trẻ. Trường hợp của Thắng cũng gần giống tôi, năm 1968 sau khi rời Trỗi tôi lập tức xung phong nhập ngũ và được điều vào chiến trường C. Địch đang giành lại thế chủ động sau Mậu thân nên cuộc chiến vôcùng ác liệt khó khăn , sở dĩ mình còn sống trở về là vì đã biết rút kinh nghiệm, dùng cả trí thông minh nữa để thoát hiểm và trở thành một cựu binh dày dạn ,năm 1972 đơn vị cũng có nhận nhiều tân binh là SVcác trường ,bằng kinh nghiệm mình cũng giúp được nhiều anh em trẻ thoát khỏi những cáichết lãng nhách, thật tiếc làkhông gặp được nhiều bạn Trỗi (ngoài Đoàn nhật Cao hình như k8hay 7 gì đó)

    Trả lờiXóa
  7. Anh Quang Trung:Cao lùn,Trỗi khóa 7.Lính chiến đấu bên Lào(chiến trường C).Năm 74 lên ôn VH tại trường VHQD Lạng sơn.Cũng là một "vận động viên" leo tường của đám cựu học sinh trường Trỗi.

    Trả lờiXóa
  8. Vẫn nhớ ngày trước Thắng rất hiền và ngoan vậy mà trong cậu ấy là một tính cách mạnh mẽ. Chuyện với người yêu, chuyện đi bộ đội cũng phải " chạy chọt nhờ vả". Là lính thì phải ra tuyến đầu nhưng phong viên thì đâu cần phải vậy, ấy mà ngồi theo xe tăng vào trận không phải ai cũng dám. Cảm phục lắm
    KV.K7

    Trả lờiXóa
  9. Mình cũng rất thích bài hát hay cả lời và nhạc ấy.

    Trả lờiXóa
  10. Đoàn nhật Cao K7 là em Đoàn nhật Thắng K6 . Năm 1974 về TVH Lạng sơn tôi cũng có gặp .
    @Bác HCQuang : Bởi vì cả bọn cứ thi hộ nhau hoài ( đứa này bổ sung cho đứa kia ) nên khi gọi tới khám bị lộ hết . Em thì không bị sao nên họ không nhớ mặt , Thắng nó khẩn khoản nhờ em và em giúp nó vô tư vậy thôi . Ngày xưa đi bộ đội cứ nghĩ như đi chơi vậy đó , ai dè ...
    K6LS

    Trả lờiXóa
  11. Đúng rồi ,Đoàn nhật Cao là em Đoàn nhật Thắng ,Cao sau này có biệt danh là Trung tá sida, chúng tôi có gặp nhau lên Nhật Tân làm mấy phát thịt chó "ba say chưa chai"

    Trả lờiXóa
  12. Đính chính một tý với HBĐ:
    -Thắng học cấp tóc trường báo chí TW hồi đó ở gần đâu trường Đảng dưới Cầu Giấy, khg phải TH Văn.
    -Cuốn sách của Thắng viết là "Sau cành Violet"

    Trả lờiXóa
  13. Đạt : mấy cái áo bông cổ lông trong hình có phải quân phục Trỗi? Sao trông hình như ko giống nhau nhỉ.

    HMK6

    Trả lờiXóa
  14. Hình như áo của Khánh và Đạt không phải.

    Trả lờiXóa
  15. Áo bông của Thắng và Khánh không phải áo trường phát!Hồi đó áo bông trường Trỗi với cổ lông nâu được dân HN phân biệt rõ lắm,đi đâu cũng nhận ra lính Trỗi nhờ vào màu áo bông không giống ai.Khánh hồi đó suýt bị bon phe vé đánh ở rạp Đại đồng vì mặc áo bông này.Nhờ có tôi mặc áo bông trường Trỗi can thiệp,bọn thanh niên nhận ra.Hiệu quả thế nên không dám bỏ áo bông của trường đâu.

    Trả lờiXóa

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!